Giới thiệu

  1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN:

  2. GIAI ĐOẠN 1959-1964.

Sau khi hoà bình lập lại, năm 1956, Bệnh xá Thái Hoà và Bệnh xá Nông trường được thành lập. Bệnh xá Thái Hoà được đặt tại Xóm Long Thượng có quy mô 30 giường bệnh do Y sỹ Nguyễn Văn Nhự làm Bệnh xá trưởng. Bệnh xá Nông trường (Bệnh xá được sự tài trợ của Cộng hòa Dân chủ Đức) có quy mô 20 giường bệnh, do Y sỹ Nguyễn Văn Ba làm Bệnh xá trưởng, cán bộ nhân viên có 05 người, chưa có Bác sỹ.

Tháng 9/1959, hai bệnh xá này được sáp nhập mang tên Bệnh viện Hữu nghị Phủ Quỳ do Cộng hoà Dân chủ Đức đầu tư xây dựng tại xóm Tây Hồ (Nghĩa Quang), với quy mô 50 giường bệnh, 28 cán bộ công nhân viên. Bệnh viện trưởng YS Nguyễn Văn Ba (giai đoạn 1959-1960); Bệnh viện phó Nguyễn Văn Nhự. Các tổ chức đoàn thể  chính trị xã hội gồm: Một tổ Đảng (do ông Kheo Văn Thành làm tổ trưởng) sinh hoạt ghép với chi bộ Hành chính Huyện Nghĩa Đàn; Một tổ Công đoàn sinh hoạt gộp với Công đoàn xưởng 250 (do Ông Biểu làm tổ trưởng); Một phân đoàn thanh niên sinh hoạt ghép với Chi đoàn Cù Chính Lan.

Giai đoạn này, cơ sở vật chất, trang thiết bị bệnh viện chỉ có những thiết bị sơ đẳng phục vụ công tác xét nghiệm, khám bệnh thông thường, chưa có Bác sỹ mà chỉ có 02 y sỹ, y tá, Kỹ thuật viên xét nghiệm sơ cấp và các hộ lý, y công và nhân viên hành chính phục vụ. Năm 1960-1961, Bệnh viện được tăng cường Bác sỹ; Bác sỹ Võ Văn Dương làm Bệnh viện trưởng (Không có viện phó); Năm 1961-1962, ông Kheo Văn Thành – Chủ tịch Huyện Diễn Châu được điều động về làm Bệnh viện trưởng , ông Đào Nguyên Giao làm Bệnh viện phó. Năm 1962-1965, Bác sỹ Hoàng Nghĩa Danh làm Bệnh viện trưởng (không có viện phó);

Nhiệm vụ chính của Bệnh viện là điều trị, thanh toán bệnh sốt rét theo chủ trương của Bộ. Câu ca “Ai lên đất đỏ Phủ Quỳ/ Khi đi béo tốt, khi về xanh xao” hoặc “Ai lên Hòa hiếu Phủ Quỳ/ Khi đi thì có, khi về thì không” nói lên sự đáng sợ “Nước độc, ma thiêng” ở Nghĩa Đàn là có thật, là phổ biến mà một trong những nguyên nhân chính là bệnh sốt rét. Từ đó, Bệnh viện tập trung đầu tư phương tiện xét nghiệm, bồi dưỡng KTV – XN ký sinh trùng sốt rét đến độ tin cậy cao. Cán bộ y tế đã vượt qua nhiều khó khăn đến tận làng, bản, vận động nhân dân tham gia phòng chống và thanh toán bệnh sốt rét. Nghĩa Đàn được Tỉnh và Bộ đánh giá là đơn vị dẫn đầu phòng trào này trên toàn miền Bắc, được cố Giáo sự Đặng Văn Ngữ chủ trì tổng kết công tác phòng chống bệnh sốt rét ở Nghĩa Đàn (Hội trường Xưởng 250 B).

Sau khi cơ bản thanh toán bệnh sốt rét, Ngành Y tế Nghĩa Đàn lại chuyển sang thanh toán bệnh Quặm mắt cho nhân dân trong Huyện, được Sở Y tế công nhận là đơn vị khá của Ngành. Qua 2 đợt thực hiện điều trị và thanh toán 2 bệnh quan trọng là Sốt

rét và Quặm, ngành Y tế Nghĩa Đàn đã chuyển sang bước phát triển mới, xây dựng mạng lưới y tế từ xóm đến huyện thành một hệ thống đồng bộ, trong đó vai trò của Bệnh viện là nòng cốt.

  1. GIAI ĐOẠN 1965-1975:

Giai đoạn này, cơ cấu lãnh đạo của Bệnh viện có nhiều thay đổi: Bác sỹ Trần Liêm được bổ nhiệm Bệnh viện trưởng (1966-1968), Bác sỹ Đào Nguyên Giao làm Bệnh viện phó; Năm 1969 – 1973, Bác sỹ Nguyễn Khắc Hồng làm Bệnh viện trưởng (không có viện phó); Năm 1974 – 1975, Bác sỹ Nguyễn Công Yến  làm Bệnh viện trưởng, Bác sỹ Đồng Quang Trưng làm Bệnh viện phó.

Bệnh viện dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ cơ sở, trực thuộc Huyện ủy Nghĩa Đàn. Các đoàn thể quần chúng đơn vị được kiện toàn sinh hoạt độc lập như Công đoàn, Đoàn thanh niên dưới sự lãnh đạo của Chi bộ.

Năm 1965, dù máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời Nghĩa Đàn nhưng Bệnh viện không thể ngừng một ngày không cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân. Trong 5 ngày (18 – 23/5/1965), máy bay Mỹ đánh phá Nghĩa Đàn liên tục từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, dưới bom đạn của không quân Mỹ, các bác sỹ, y tá và nhân viên Bệnh viện Nghĩa Đàn đã anh dũng bảo vệ bệnh nhân, di chuyển Bệnh viện, sơ tán đến nơi an toàn. Trong cuộc chiến đấu ấy, y tá Vừ Quỳ Lãnh, Đặng Văn Đề và y sỹ Nam. Những tấm gương hy sinh ấy đã hun đúc và nâng cao tinh thần phục vụ bệnh nhân của cán bộ, nhân viên Bệnh viện.

Mặc dù sơ tán trong dân, nhà tranh, vách nứa, dưới tán rừng già nhưng mọi hoạt động của Bệnh viện Nghĩa Đàn vẫn được mở rộng và nâng cao, nhiều Bác sỹ được tăng cường, trang thiết bị mới được đầu tư. Lúc này, Bệnh viện đã tổ chức thêm các khoa mới như: Ngoại, Sản, Nhi, Lây, Cận Lâm sàng… Trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt ấy, Bệnh viện Nghĩa Đàn đã nhận nhiệm vụ cứu chữa, điều trị, kể cả các ca mổ khó cho Bộ đội, Thanh niên xung phong. Có thời điểm Bệnh viện cấp cứu tới 50 người bị thương cùng một lúc. Với ánh sáng của đèn Măng-sông, đèn Pin và cả đèn xe đạp, các Y-Bác sỹ khoa Ngoại vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Trong chiến dịch đường 9 Nam Lào, số bộ đội và thanh niên xung phòng chuyển ra Nghĩa Đàn rất đông. Cán bộ Y tế Nghĩa Đàn và Bệnh viện Nghĩa Đàn đã tập trung cấp cứu hàng tháng trời và đã làm tròn nhiệm vụ, không để xảy ra sự cố cho bệnh nhân, được các đơn vị bộ đội cảm phục.

Từ trong khó khăn và xuất phát từ yêu cầu phục vụ người bệnh, Bệnh viện Nghĩa Đàn đã phấn đấu nâng cao trình độ cho đội ngũ Y, Bác sỹ trong điều trị và cấp cứu. Bệnh viện đã tự sản xuất được huyết thanh (mẫu Srum Test), đã định được nhóm máu trong việc truyền máu tươi cho điều trị Nội khoa và cấp cứu Ngoại khoa. Đặc biệt, đã thành công truyền máu cấp cứu cho Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Lang – Giám đốc Nông trường Đông Hiếu, ông Nguyễn Văn Thuần – đại biểu Quốc hội ở Như Xuân (Thanh Hóa). Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là các bệnh nhân xuất huyết dạ dày, cấp cứu chấn thương đã được cứu sống nhờ Bệnh viện chủ động trong việc truyền máu tươi. Việc đào tạo phẫu thuật viên ngoại khoa đã tạo ra một bước đi mới cho bệnh viện trong việc nâng cao trình độ cho đội ngũ Y, Bác sỹ. Nhờ đã đã tiến hành thực hiện các ca mổ khó tại chỗ. Ban đầu, Bệnh viện Tỉnh Nghệ An về mổ và chuyển giao kỹ thuật cho các kíp mổ, sau đó Sở y tế cho phép Bệnh viện Nghĩa Đàn được phép phẫu thuật.

Cùng trong giai đoạn này, Bệnh viện Nghĩa Đàn đã cùng với phòng y tế Huyện thực sự trưởng thành trong công tác phối hợp hoạt động và huy động sức dân giúp đỡ ngành Y tế, đồng thời phục vụ tốt có hiệu quả  thương bệnh binh và nhân dân trong chiến tranh. Bên cạnh đó, Bệnh viện có Phòng y tế do Y sỹ Hồ Sỹ Cần đảm nhiệm làm Trưởng phòng. Nhiệm vụ chủ yếu của phòng là quản lý nhà nước về Y tế trên địa bàn, chỉ đạo các xã làm tốt công tác CSSK ban đầu cho nhân dân, vệ sinh phòng bệnh, phòng chống sốt rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh theo mùa.

Tổ Đảng bệnh viện có 5 Đảng viên trực thuộc Huyện uỷ. Bệnh viện trực thuộc Ty y tế về chuyên môn, Huyện  quản lý về mặt hành chính, tổ chức. Các ca phẫu thuật, bệnh nhân nặng đều phải chuyển về Bệnh viện Tỉnh.

Để có cơ sở phục vụ chiến thương và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong thời chiến, bệnh viện phải sơ tán lên làng U Nghĩa Thắng. Bộ phận trung tâm về Nông trường 1/5 tại xã Nghĩa Hội. Bệnh nhân phải ở nhờ Trường học cấp I xã Nghĩa Hội, nhà kho HTX Đồng Tiến, nhà tre, xét nghiệm được ở nhờ trạm xá Nông trường 1/5, CBVC  ở nhờ vào nhà dân vùng giáo toàn tòng xóm Đồng Tiến, Đồng Lèn). Công việc hấp sấy y dụng cụ nhờ Nông trường bộ 1/5 giúp đỡ. Trang thiết bị Y tế giai đoạn này được trang bị máy Điện quang, kính hiển vi, đèn bàn mổ. Bệnh nhân đến điều trị chủ yếu là bị sốt rét, các bệnh về tiêu hoá, hô hấp, mổ đẻ, mổ viêm ruột thừa.

Sau 2 lần di chuyển về Nghĩa Thắng và Nghĩa Hội, năm 1966, Bệnh viện dừng chân dưới một rừng dẻ cạnh đường 15 thuộc xã Nghĩa Trung để thuận tiện đón tiếp, cấp cứu chiến thương. Lúc này Bệnh viện có 4 Bác sỹ, 1 Chuyên khoa lao, 1 TMH, 1 Ngoại khoa, 1 RHM, 4 Y sỹ và chục y tá sơ học với đội ngũ nhân viên 70 người. Bệnh viện chia làm 4 khoa (Ngoại-sản-Chuyên khoa, Nội-Nhi-Lây, khoa Cận lâm sàng và bộ phận Tổ chức HC-Tài vụ).

Năm 1967, Bệnh viện được xây dựng lại chủ yếu phục vụ chiến tranh. Điện quang nằm dưới hầm cách xa khu điều trị 500m. Buồng bệnh nằm rải rác cách nhau 100-150m, nhà làm bằng gỗ, tranh tre nứa lá, từ khu này đến khu khác có giao thông hào để tránh thương vong cho nhân viên y tế và bệnh nhân khi Mỹ ném bom. Do sự phát triển của Bệnh viện, bệnh nhân đến điều trị ngày càng đông. Các huyện bạn Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ và huyện Như Xuân (Thanh Hoá) đều gửi bệnh nhân cấp cứu về điều trị.

Để phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tháng 7/1970 Bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Nghĩa Đàn. Trong chiến tranh, nơi nào có bom rơi đạn nổ là có mặt cán bộ y tế. Cuối năm 1972, chiến tranh đi vào ác liệt chưa từng có, bom B52, bom bi, bom tấn  rải đều khắp Nghĩa Đàn. Bệnh viện ngày đêm tập trung cấp cứu chấn thương, nhà mổ hoạt động không nghỉ. Có đợt hơn 7 ngày đêm, các Thầy thuốc ngoại khoa luôn bên bàn mổ, có khi bom nổ cách không đầy 500m, với ngọn đèn măng xông, thậm chí có lúc phải dùng đèn pin và quay mô tơ  xe đạp để lấy ánh sáng phục vụ ca mổ. Bệnh nhân nằm đôi

nằm ba, hầu hết là bộ đội, Thanh niên xung phong. Có lúc 50 người bị thương vào một lúc.

Ngoài nhiệm vụ cấp cứu chiến thương, Bệnh viện duy trì mổ phiên như cắt dạ dày, phẫu thuật cao nhất hồi đó; chuyền máu tươi từ nguồn máu chủ yếu vận động học sinh trường Y sỹ. Bệnh viện không để thiếu thuốc phục vụ người bệnh nên đã pha chế huyết thanh, đảm bảo đủ dịch truyền nhưng không để xẩy ra tai biến do truyền dịch.

Năm 1973, Nghĩa Đàn tổ chức thanh toán quặm trên toàn huyện, được Ty y tế công nhận đơn vị khá của ngành. Đơn vị thực hiện tốt 5 chức năng của ngành y tế:  Phòng bệnh; Điều trị; Sản xuất thuốc; Nghiên cứu khoa học; Kết hợp Đông Tây y.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện đã tham gia công tác đào tạo cán bộ. Hầu hết các Bác sỹ đều phải tham gia giảng dạy ở trường Y sỹ miền núi. Bệnh viện là cơ sở cho học sinh trường Y sỹ thực tập. Nhiều đồng chí trưởng thành và giữ các trọng trách ở các Huyện Miền núi. Bệnh viện đã tổ chức nhiều đợt luyện tay nghề, thi y tá giỏi. Phòng trào “Lương y như từ mẫu”; học tập thi tìm hiểu tác phẩm “Sống như Anh” được phát động sâu rộng trong cán bộ công nhân viên. Nhờ công tác đào tạo được quan tâm sâu sắc nên Bệnh viện đã có đội ngũ Bác sỹ CK sơ bộ, CKI , chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu phát triển của Bệnh viện qua từng giai đoạn được Sở Y tế đáng giá là đơn vị dẫn  đầu trong công tác đào tạo cán bộ của Y tế Nghệ An qua các thời kỳ .

Cũng trong giai đoạn này, cơ sở y tế tuyến xã ở Nghĩa Đàn được xây dựng với nhiệm vụ chủ yếu điều trị và phòng bệnh. Cán bộ y tế xã được nhận 20 kg thóc/tháng, sáu tháng nhận 1 lần, vất vả đến độ có đồng chí phải bỏ việc để kiếm kế sinh nhai. Nhưng có rất nhiều đồng chí tâm huyết với ngành, với nghề, hết lòng vì sức khỏe nhân dân như đồng chí Võ Trọng Thường, Lê Thị Nhị, Lô Văn Quyển, Nguyễn Văn Tám, Thiều Thị Xuân, Lê Thị Dứa, Hoàng Thị Cư, Sầm Thị Sinh, Nguyễn Thị Lương, Lê Văn Minh… Những đóng góp của cán bộ y tế xã cho ngành y tế Nghĩa Đàn rất đáng trân trọng.

Để đảm bảo đời sống cho CB-CNV, vai trò Công đoàn được phát huy rất có hiệu quả. Từ nhận ruộng cho CB-CNV sản xuất, giải quyết phần nào những thiếu thốn về lương thực; tổ chức mua bò về lấy thịt và sản xuất hemoglobin phục vụ người bệnh. Xây dựng hạnh phúc cho 5 cặp vợ chồng… Bên cạnh đó, phát động phòng trào thi đua học tập Bệnh viện Vân Đình,  học tập tinh thần cấp cứu của Y tá Dậu – Bệnh viện Bạch Mai. Từ đó, đã xuất hiện những tấm gương người tốt việc tốt, một số đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng; một số đồng chí liên tục được tỉnh và ngành công nhận chiến sỹ thi đua.

  1. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1975- 1985.

Đây là giai đoạn Bệnh viện gặp nhiều khó khăn gian khổ về nguồn nhân lực và thiên tai. Sau giải phóng, cán bộ miền Nam về lại quê nhà nên nguồn nhân lực thiếu trầm trọng. Hai năm 1978 và 1980, nhà cửa của Bệnh viện 2 lần bị bão tàn phá, cơ sở điều trị không còn. Viện trợ HCR chưa phát huy được hiệu quả, Bệnh viện mới xây dựng chưa xong. Thiên nhiên gần như vắt kiệt sức của y tế Nghĩa đàn. Để hoạt động có hiệu quả, Hiệu thuốc và Thể dục thể thao được tách khỏi Phòng y tế (1975). Cơ cấu tổ chức Bệnh viện có 3 phòng chức năng (Y vụ , Tài vụ , TC – HC – QT) các khoa : Ngoại -Sản – Gây Mê ; Khoa 3 chuyên khoa, Nội – Lây – Đông y, Phòng khám Bệnh, Dược… Bệnh viện trưởng là Bác sỹ Nguyễn Công Yến kiêm Bí thư chi bộ, Bệnh viện phó là Bác sỹ Đồng Quang Trưng. Định biên 70 giường bệnh, trực thuộc Huyện Nghĩa Đàn .

Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, hơn 12 tháng sau cơ sở điều trị được phục hồi, Bệnh viện tiếp tục thu nhận bệnh nhân vào điều trị. Hàng năm Ty y tế tổ chức kiểm tra chéo, Bệnh viện đều được đánh giá đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ .

Giai đoạn 1982- 1985 là bước đột phá  của y tế Nghĩa Đàn. Sau khi được xây mới tại xã Nghĩa Hòa với các dãy nhà ngói khang trang, Bệnh viện tiến hành di chuyển từ xã Nghĩa Trung về tiếp quản cơ sở mới (nơi Bệnh viện hiện đang hoạt động). Đây là sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền huyện nhà đối với ngành Y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người bệnh, và là tiền đề để Bệnh viện phát triển.

  1. GIAI ĐOẠN 1985-1995 :

Bệnh viện xây dựng và phát triển trong thời kỳ đất nước thực hiện công cuộc đổi mới. Đảng, nhà nước đã có nhiều chủ  trương, chính sách đầu tư cho y tế. Bệnh viện làm việc trên khuôn viên mới đàng hoàng hơn, thuận lợi cho việc tập trung phát triển kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực. Các khoa phòng được kiện toàn vững chắc các phẫu thuật loại II, từng bước được BV đa khoa Tỉnh về  đào tạo, cầm tay chỉ việc, trực tiếp chuyển giao cho Bệnh viện để phát triển kỹ thuật mới. Tập trung thực hiện tốt các chương trình y tế Quốc gia như : Tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, chương trình chống lao…; tập trung xây dựng trung tâm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia.

Giai đoạn này, Bệnh viện có 80 giường bệnh, phân bổ 3 phòng chức năng, 05 khoa lâm sàng, CLS. Bệnh viện trưởng kiêm Bí thư chi bộ, Bác sỹ Nguyễn Công Yến; Bệnh viện phó, Bác sỹ Đồng Quang Trưng (1973); Bệnh viện phó Lê Khắc Trân; (10/1992- 1995); Bệnh viện phó, Bác sỹ Lê Đình Văn (1975-1996)

Các đoàn thể chính trị xã hội đóng vai trò quan trọng đóng góp cho việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bệnh viện (gồm Công đoàn; Đoàn thanh niên; Hội CCB).

Bệnh viện đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Nghĩa Đàn là đơn vị cung cấp cán bộ cho Ngành Y tế Nghệ An nhiều nhất, trong đó có nhiều đồng chí phấn đấu rất tốt như Đại tá Bác sỹ Phương – Bệnh viện 198 Bộ Công an Hà nội, BS Nguyễn Mạnh Từ – Hội chữ Thập Đỏ TW, BS Võ Văn Dương – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nghệ An., BS Phạm Văn Diễn – Giám đốc Bệnh viện Nghệ An, BS Nguyễn Bá Tân – Giám đốc Trung tâm DSKHHGĐ… Nhiều đồng chí khác đang giữ các chức vụ trưởng phó khoa ở Bệnh viện tuyến tỉnh.

Vấn đề đào tạo trên đại học và sau đại học cho cán bộ được hết sức quan tâm. Bệnh viện đã có 1 thạc sỹ, các trưởng khoa hầu hết Chuyên khoa cấp I. Nhiều đồng chí đã được đào tạo trung, cao cấp chính trị. Quá trình phấn đấu Bệnh viện đã có đội ngũ cán bộ vững vàng về chuyên môn cũng như chính trị.

Đơn vị đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch chức danh cán bộ, bổ sung quy hoạch A3 đầy đủ đảm bảo chất lượng nên luôn có nguồn thay thế kế thừa cho các chức danh khi cần mà không phải lấy nguồn từ nơi khác.

Tháng 5/1992,  Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Đàn được sáp nhập Phòng y tế Nghĩa Đàn thành Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn với chức năng quản lý chuyên môn và quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn, chịu sự quản lý toàn diện của Sở Y tế.

Năm 1995, Trung Tâm y tế Nghĩa Đàn được công nhận đạt thành tích xuất sắc toàn diện, là lá cờ đầu của ngành y tế Nghệ An.

  1. GIAI ĐOẠN 1996 – 2011:

Đây là giai đoạn Lãnh đạo Bệnh viện tập trung sức lực, tài chính cho công tác đào tạo nâng cao trình độ CKI, CKII, chuyên sâu. Bước ngoặt lịch sử đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của đơn vị là ngày 01/04/1996, Huyện ủy Nghĩa Đàn có Quyết đinh thành lập Đảng bộ Bệnh viện trực thuộc Huyện ủy từ chi bộ trực thuộc.

Năm 2007 thực hiện Nghị định 43/CP về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm 1 phần về tài chính. Đảng ủy đã lãnh đạo đơn vị xây dựng Đề án tự chủ về tài chính, được Chủ tịch Huyện phê duyệt tại Quyết định số 782/ QĐ-UBND ngày 28/06/2007 của UBND Huyện Nghĩa Đàn về việc giao quyền tự chủ chịu trách nhiệm về tài chính đối với Bệnh viện đa khoa Huyện Nghĩa Đàn. Đảng uỷ Ban Giám đốc đã mạnh dạn triển khai Nghị quyết 05 của Chính phủ, Quyết định 3439/QĐ-UBND của Tỉnh Nghệ An. Từ đó đơn vị xây dựng các Đề án xã hội hóa, công tác y tế phần lớn đầu tư trang thiết bị y tế từ nguồn góp vốn  của CBVC, liên kết – liên doanh với các Công ty, mở ra một trang mới cho đầu tư TTB và phát triển kỹ thuật mới tại Bệnh viện. Người dân khu vực được thụ hưởng những kỹ thuật hiện đại, tiên tiến của y học ngay tại nơi mình ở mà không phải chuyển tuyến, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, giảm tải cho tuyến trên, CBVC được đào tạo sử dụng thành thạo, làm chủ các thiết bị hiện đại.

Bí thư Đảng bộ – Giám đốc Bệnh viện Bác sỹ Lê Đình Văn; Phó giám đốc Bác sỹ  Lê Khắc Trân (01/1996- 11/2006); Phó giám đốc Bác sỹ Ngô Thị Hà (10/1996 – 12/2011); Phó giám đốc Bác sỹ Phạm Ngọc Thể (10/2002- 11/ 2004); Phó giám đốc Bác sỹ Nguyễn Viết Lương (10/2007 – 12/2011); Phó Giám đốc Bác Sỹ Tăng Việt Hà (02/2010 – 01/2012)

Do nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và khu vực nên UBND tỉnh có Quyết định 180/QĐ-UB ngày 30/05/2002 sát nhập Bệnh viện 4 Phủ Quỳ vào Trung tâm y tế Nghĩa Đàn (hoàn thành vào tháng 10/2002). Từ đây Trung tâm y tế Nghĩa Đàn có một Bệnh viện 205 giường bệnh với đội ngũ cán bộ 239 người (Trong đó có 1 đội y tế dự phòng và một đội kế hoạch hoá gia đình). Một mạng lưới y tế cơ sở 32 Trạm có 166 cán bộ công chức, 430 y tế /430 thôn bản, hai phòng khám Đa khoa khu vực.

Năm 2005, bệnh viện được UBND Tỉnh, Sở Y tế Nghệ An giao thêm 10 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh lên 215 giường.

Lúc này Trung tâm y tế Nghĩa Đàn có một đội ngũ cán bộ khá hùng hậu, chuyên môn vững vàng đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn và hỗ trợ chuyên môn cho cán đơn vị bạn vùng Tây Bắc. Bác sỹ có 54 người (1 Bác sỹ chuyên khoa II, 1 Thạc sỹ, 26 Bác sỹ chuyên khoa I); 03 Dược sỹ đại học và gần 200 cán bộ khác. Y tế xã có 15 Bác sỹ, Trung tâm tăng cường 4 Bác sỹ và 7 Y sỹ, NHS hiện nay đã có Bác sỹ đạt tỷ lệ 59,8%.

Đảng bộ lúc này có 92 Đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trực tiếp  hoạt động chuyên môn, đoàn thể  và mọi hoạt động của đơn vị.

Tháng 11/2006 thực hiện Nghị định 171 và 172 của Chính phủ, Trung tâm y tế Nghĩa Đàn chia tách thành 3 đơn vị hành chính (Bệnh viện Đa khoa – Trung tâm y tế và phòng y tế).

Tháng 10/2007, tại Quyết định số 3782-QĐ-UBND Ngày 01/10/2007 v/v xếp hạng các đơn vị sự nghiêp dịch vụ công Chủ tịch UNND Tỉnh Nghệ An đã xếp BV ĐK Huyện Nghĩa Đàn từ BV hạng III lên BV hạng II của Tỉnh.

Tháng 9/2008 đánh dấu một mốc son trong lịch sử phát triển của Bệnh viện,  Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc được thành lập theo Quyết định 4014 ngày 16/9/2008 của UBND tỉnh (trên cơ sở Bệnh viện Huyện Nghĩa Đàn); Thực hiện 7 nhiệm vụ do Bộ y tế quy định gồm: Khám chữa bệnh, phòng bệnh, đào tạo, nghiên cứu  khoa học về y học, chỉ đạo chuyên môn  tuyến dưới,  hợp tác Quốc tế. quản lý kinh tế y tế; Chăm sóc và bảo vệ sức khác cho nhân dân trên địa bàn khu vực Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Tắc Tỉnh Nghệ An trực thuộc Đảng bộ Thị xã Thái hòa, gồm có 98 đảng viên phân bổ 09 chi bộ trực thuộc.

Bệnh viện có quy mô 250 giường bệnh, phân bổ 18 khoa phòng (04 phòng chức năng, 10 khoa lâm sàng, 04 khoa cận lâm sàng); Trang thiết bị hiện có tương đối đầy đủ của một Bệnh viện Hạng II tuyến tỉnh song các thiết bị y tế hiện đại chủ yếu từ nguồn liên kết – liên doanh từ chủ trương XHH của Chính phủ.

Các kỹ thuật chuyên môn được thực hiện tại Bệnh viện: Ngoại – Sản – Chuyên khoa đã phẫu thuật được từ loại III đến loại I và các cấp cứu, bệnh nội khoa, nhi khoa … theo phân tuyến kỹ thuật của Bệnh viện hạng II. Năm 2010, bệnh viện đã thực hiện được một số kỹ thuật cao như: Phẫu thuật sọ não lấy máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, phẫu thuật nội soi các kỹ thuật cắt ruột thừa, khâu lỗ thủng dạ dày, cắt túi mật nội soi, U nang buồng trứng, GEU chưa vỡ, mổ nội soi TMH, phẫu thuật PHACO ….

Hướng phát triển kỹ thuật cao năm 2011 và những năm tiếp theo của Bệnh viện: mỗi năm phấn đấu phát triển được 10-15 kỹ thuật cao của Bệnh viện hạng II (Theo quy định của Bộ Y tế).

  1. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NAY:

 Đây là giai đoạn chuyển giao giữa thế hệ lãnh đạo là những Bác sỹ đã được tôi luyện trong chiến tranh, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và chuyên môn cho thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, đầy nhiệt huyết, được trang bị hành trang tiên tiến về kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý.

Bệnh viện có quy mô 260 giường bệnh và 283 cán bộ viên chức. Trong đó: 04 Bác sỹ CKII; 17 Bác sỹ CKI: 36 Bác sỹ; 1Thạc sỹ Dược; 1 Đại học Dược; 4 CN. Điều dưỡng; 3 CN. Kỹ thuật viên; 65 CĐ. Điều dưỡng; 06 CĐ. Kỹ thuật viên; 12 CĐ. Nữ hộ sinh; 20 Y sỹ; 12 TC. Kỹ thuật viên; 45 TC. Điều dưỡng; 11 TC. Nữ hộ sinh; 11 TC. Dược; 01 SC. Điều dưỡng; 31 cán bộ khác; 1 hợp Đồng 68.

Lãnh đạo đơn vị gồm Phó bí thư Đảng bộ, Giám đốc Bệnh viện – BSCKII Tăng Việt Hà; Bí thư Đảng bộ – Phó Giám đốc Bệnh viện – BSCKI  Nguyễn Viết Lương; Phó Giám đốc Bệnh viện – BSCKI Trương Thị Vân .

Hệ thống tổ chức của Bệnh viện  gồm: Ban giám đốc, 06 phòng chức năng, 15 khoa (Trong đã có 11 khoa lâm sàng và 4 khoa cận lâm sàng).

Sáu phòng chức năng gồm: Phòng Kế hoạch tổng hợp; Phòng Điều dưỡng; Phòng Tài chính-Kế toán; Phòng Tổ chức cán bộ (Được tách tháng 4/2014 từ phòng TC-QT-HC); Phòng Hành chính Quản trị (Được tách tháng 4/2014 từ phòng TC-QT-HC); Phòng Vật tư-Thiết bị y tế (Được tách tháng 4/2014 từ phòng TC-QT-HC-Dược).

Các khoa lâm sàng – cận lâm sàng gồm: Ngoại tổng hợp; Phụ sản; Răng hàm mặt – Tai mũi họng; Mắt; Gây mê hồi sức; Hồi sức cấp cứu; Xét nghiệm; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Nội tổng hợp; Truyền nhiễm; Nhi; Đông y; Khám bệnh; Dược; Chẩn đoán hình ảnh -TDCN.

Đảng ủy Bệnh viện lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp chuyên môn và các đoàn thể quần chúng trong toàn đơn vị đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Các tổ chức đoàn thể được kiện toàn đầy đủ có Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội chữ thập Đỏ. Các tổ chức đoàn thể đều đã phát huy tốt vai trò, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển Bệnh viện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban giám đốc bệnh viện phối hợp với các tổ chức đoàn thể đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CBVC, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan. Thường xuyên quan tâm giáo dục lòng yêu ngành, yêu nghề, tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân được quy định trong 12 Điều y đức. Tổ chức sâu rộng phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Tổ chức hội thi tuyên truyền về quy tắc ứng xử của CBVC ngành y tế đạt kết quả tốt. CBVC bệnh viện đoàn kết thống nhất, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ bệnh nhân  ngày càng được nâng cao, nhất là không có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho bệnh nhân… Tổng kết 4 năm thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bệnh viện vinh dự được tham dự Hội nghị các điển hình tiên tiến tại Hà Nội và được Bộ Y tế, Tỉnh ủy Nghệ An tặng Bằng khen.

Hiện nay, Bệnh viện ĐKKV Tây Bắc đã và đang triển khai đồng loạt các kỹ thuật mới, hiện đại. Các kỹ thuật được triển khai thường xuyên, hiệu quả như: Phẫu thuật nội soi các loại, nội soi can thiệp đường tiêu hóa, phẫu thuật phaco… Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bệnh viện tiếp tục triển khai thành công các kỹ thuật: lọc máu cấp cứu, lọc thận nhân tạo chu kỳ, thở máy sơ sinh, thay máu vàng da sơ sinh, nội soi đại trực tràng ống mềm… Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho nhân dân trên địa bàn khu vực Tây Bắc: 100.000 bệnh nhân ngoại trú, hơn 20.000 bệnh nhân nội trú, phẫu thuật từ loại I đến loại III từ 3.500- 4.000 trường hợp.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách lề lối làm việc để giảm phiền hà cho người bệnh luôn được lãnh đạo Bệnh viện quan tâm hàng đầu. Cùng với việc không ngừng cải tiến liên tục các quy trình khám chữa bệnh nhằm tạo thuận tiện nhất, an toàn nhất và làm hài lòng người bệnh, bệnh viện còn thực hiện khẩu hiệu “Làm hết việc không hết giờ”; Triển khai phân luồng các đối tượng bệnh nhân, gọi số khám và kết luận tự động, cải tiến cách trả kết quả cận lâm sàng. Các khu vực đón tiếp, khám chữa bệnh đều có nhân viên y tế  hướng dẫn cụ thể. Dưới sự hỗ trợ của dự án GIZ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc là một trong những Bệnh viện đầu tiên trên toàn quốc xây dựng được các quy trình theo 50 chuẩn Quốc tế JCI về cải tiến chất lượng Bệnh viện và an toàn người bệnh. Các quy trình đã được đưa vào thực hiện từ tháng 4/2013, bước đầu đã có đạt được những kết quả nhất định, hạn chế được nhiều sai sót, đưa lại sự an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Hiện tại Bệnh viện đang được xây dựng mới tại xã Tây Hiếu – Thị xã Thái Hòa với tổng dự toán kinh phí là 271 tỷ đồng (Giá năm 2008). Hiện nay, bệnh viện đã hoàn thành phần gói thầu xây dựng khối nhà điều trị chính 5 tầng, nhà kỹ thuật 3 tầng, còn một số hạng mục khác đang từng bước được mở thầu, dự kiến đến năm 2016 hoặc 2017 bệnh viện sẽ di chuyển sang cơ sở mới làm việc.

* Triển khai Đề án 1816 của Bộ y tế.

Bệnh viện đã tập trung khảo sát nhu cầu về nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, nhu cầu đào tạo, phát triển kỹ thuật của các Bệnh viện hạng III trong khu vực, làm cơ sở báo cáo về Lãnh đạo Ngành để có sự chỉ đạo chung; Đồng thời đơn vị có kế hoạch hỗ trợ cho các Bệnh viện.

 Bệnh viện đã cử cán bộ xuống tăng cường tuyến y tế xã theo Kế hoạch và Quyết định của Sở Y tế. Trong năm 2013 và đầu năm 2014, đã có 3 đợt tăng cường với 9 Bác sỹ, chuyển giao 30 kỹ thuật cho 25 cán bộ tuyến cơ sở và tham gia khám điều trị cho gần 1500 bệnh nhân; Tại Bệnh viện tiếp nhận chuyển giao 4 kỹ thuật từ Bệnh viện đa khoa tỉnh.

* Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, phát triển kỹ thuật mới được bệnh viên quan tâm.

Hàng năm có từ 30- 50 cán bộ viên chức của Bệnh viên tham gia các khóa huấn luyện đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Hàng trăm cán bộ của Bệnh viện được tham gia đào tạo tại chỗ về chuyên môn, quản lý, quản lý chất lượng.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Đảng ủy – Ban Giám đốc Bệnh viện quan tâm tạo điều kiện thuận cho CBVC nghiên cứu khoa học, áp dụng các cải tiến, ứng dụng kỹ thuật mới trong điều trị chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý, khoa học y học lâm sàng, Cận Lâm Sàng cấp cơ sở được nghiệm thu. Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao được áp dụng thành công  để phát triển kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh khi đến KCB tại Bệnh viện.

Bệnh viện là cơ sở thực hành cho hàng ngàn học viên Y sỹ miền núi của trường trung cấp y nghệ An, nay là cơ sở thực tập cho sinh viên trường cao đẳng – Đại học Y Vinh và các trường cao đẳng y – dược khác trong phạm vi cả nước.

*Thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá về y tế:

Do điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu của người bệnh ngày càng đòi hỏi được thụ hưởng kỹ thuật y học chất lượng cao, Bệnh viện đã chủ động từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa để nâng cấp các TTB y tế kỹ thuật cao như: Siêu âm màu 4D, nội soi dạ dày; soi TMH, soi CTC; điện não đồ vi tính; Monitor theo dõi bệnh nhân, tán sỏi ngoài cơ thể, máy sinh hóa máu, dàn mổ nội soi, máy gây mê vòng kín, hệ thống máy chạy thận nhân tạo… đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, KCB cho nhân dân.

Hiện nay, Đảng uỷ, Ban giám đốc đánh giá vai trò lịch sử của đề án XHH đã hoàn thành vai trò lịch sử giúp đơn vị vượt qua khó khăn phát triển như hôm nay và tiếp tục chỉ đạo duy trì đề án XHH y tế một cách hợp lí, tiến tới tìm kiếm các nguồn đầu tư khác để trang bị các TTB y tế kỹ thuật cao thay thế dần các thiết bị XHH vì gần hết hợp đồng.

 * Công tác từ thiện nhân đạo.

Bệnh viện đã phát động phong trào đóng góp quỹ vì bệnh nhân nghèo để duy trì chương trình « bát cháo tình thương » vào mỗi sáng. Ngoài sự ủng hộ tích cực của CBVC Bệnh viện, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Thị xã Thái hoà, Hội CTĐ Thái Hoà đã vào cuộc kêu gọi các doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ cho quỹ bát cháo tình thương bước đầu được 70 triệu đồng. Đến nay, quỹ này đã được các doanh nghiệp đóng góp tự nguyện hàng năm. Tính từ năm 2009-2013, đã có 8.776 bát cháo (tương đương 73.856.000đ) phục vụ 1.701 bệnh nhân nghèo, ngoài ra bệnh viện đã miễn viện phí cho các bệnh nhân không có khả năng chi trả với tổng số tiền lên đến trên 106 triệu đồng. Trong 6 năm (từ 2008 – 2013), CNVC Bệnh viện đã đóng góp được tổng số tiền là 422.364.000 đồng ủng hộ các loại quỹ, riêng năm 2013 CBVC đóng góp được 300.000.000đồng .

Bệnh viện xây dựng ngân hàng máu sống gồm 108 đoàn viên thanh niên của Bệnh viện sẵn sàng hiến máu cấp cứu người bệnh ở bất cứ thời điểm nào. Trong năm hơn 20 đơn vị máu sống cán bộ viên chức Bệnh viện đã được huy động cứu sống nhiều bệnh nhân. Đặc biệt có ĐD Nguyễn Thị Phương Ly ở Khoa Ngoại đã 09 lần tham gia hiến máu tình nguyện.

Hội CTĐ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp tốt với Thị đoàn, Hội CTĐ Thị xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoạt động từ thịên nhân đạo. Tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu vùng xa. Khám cấp thuốc cho hơn 1000 các đối tượng.

*Chăm lo đời sống cho CBVC:

Bệnh viện luôn quan tâm đến điều kiện làm việc cho CBVC, sắp xếp bố trí công việc đảm bảo tất cả CBVC đều có việc làm hợp lý, phù hợp với bằng cấp đào tạo và năng lực trình độ của mình. Bệnh viện đã thực hiện tốt pháp lệnh bảo hộ lao động, đảm bảo đầy đủ, kịp thời những chế độ chính sách cho CBVC như chế độ tiền lương, phụ cấp, BHXH, BHYT…

Bệnh viện đã tạo mọi điều kiện để CBVC học tập nâng cao trình độ. Hỗ trợ 5.000.000đ/năm cho những người đi học dài hạn, 500.000đ/người/tháng cho những người học ngắn hạn và hỗ trợ 150.000đ/tháng tiền nhà ở. Đào tạo mũi nhọn ngoài các chế độ chung hỗ trợ tiền ăn 50.000đ/(Ngoại tỉnh) 30.000đ/ngày  (Trong tỉnh).

Đặc biệt hàng năm Bệnh viện hết sức quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần cho CBVC. Mỗi khoa có một tờ báo Sức khỏe đời sống, mỗi chi bộ có 01 tờ báo Nhân dân, 01 tờ báo Nghệ An, mỗi tổ công đoàn có 01 tờ báo Lao động Nghệ An. Câu lạc bộ văn hoá thể thao được thành lập, đã duy trì tốt mọi sinh hoạt văn hoá thể thao trong đơn vị. Ngoài việc đảm bảo đầy đủ kịp thời chế độ tiền lương, phụ cấp cho CBVC, Bệnh viện còn không ngừng cải thiện đời sống cho cán bộ viên chức.

* Xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh:

 Công đoàn cơ sở Bệnh viện đã phối hợp với chuyên môn chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động phối hợp giữa chính quyền và  Công đoàn, tổ chức Hội nghị CBVC đúng quy trình. Tổ chức tốt các phong trào thi đua trong đơn vị, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công sở. 5 năm gần đây Bệnh viện đều được công nhận là đơn vị văn hóa. Mọi hoạt động của Công đoàn đều đi vào nề nếp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Ban TTND, UBKT Công đoàn đã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình nên không có đơn thư khiếu nại tố cáo.

Hội CCB chỉ đạo hội viên luôn phát huy được bản chất bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đoàn thanh niên Bệnh viện phát huy vai trò xung kích, là cánh tay phải đắc lực của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Bệnh viện.

Hội chữ thập đỏ làm tốt công tác động viên các hội viên tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, đặc biệt phối hợp tốt với Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đoàn thanh niên duy trì tốt chương trình bát cháo tình thương, ngân hàng máu sống, câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ; là điểm nhấn có tính nhân văn động viện, khích lệ Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện, đặc biệt Bệnh nhân nghèo.

RemasterDirector_V0

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *